NGƯỜI LAO ĐỘNG TRỞ LẠI VƯỜN CÂY TỪ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

   Thời gian qua, việc làm, điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần, của người lao động ngày được cải thiện. Ý thức chính trị, lòng tin đối với Đảng với ban lãnh đạo công ty được củng cố; thái độ và trách nhiệm trong lao động được nâng cao. Tuy nhiên, giá tiêu thụ sản phẩm ngày càng có chiều hướng giảm sâu dẫn đến thu nhập người lao động cũng giảm theo; từ đó, một bộ phận công nhân lao động trong công ty đã nghỉ việc để tìm đến các khu công nghiệp.

   Chị Nguyễn Thị Hồng Vân hiện là công nhân khai thác Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến đã từng làm công nhân tại khu công nghiệp Phước Đông tỉnh Tây Ninh tâm sự: Trước đây vào công nhân cao su được hơn 3 năm nhưng vào thời điểm giá mủ cao su xuống quá thấp, chồng lại không có việc làm ổn định lại nuôi hai con nhỏ nên em mới nghỉ làm ở công ty để qua khu công nghiệp làm, mong muốn có nguồn thu nhập khá hơn. Với suy nghĩ làm công nhân thì ở đâu cũng vậy, miễn có thu nhập khá để lo cho gia đình thì mình làm. Tuy nhiên, khi qua đó làm được ít hôm thì em thấy quyết định của mình chưa ổn. Trước tiên là thời gian làm việc, vào đến công ty từ sáu, bảy giờ sáng nhưng đến hơn năm giờ chiều mới được ra khỏi công ty, thu nhập thì có đỡ hơn nhưng đổi lại được gì khi con của em thì còn nhỏ, cứ hết gửi nội lại sang gửi ngoại và có những chị làm chung ở xa gia đình thì phải gửi bên ngoài và còn rất nhiều những khó khăn khác dẫn đến làm việc chẳng tập trung, hiệu quả công việc thấp, các khoảng trừ “Chuyên cần” luôn thường trực nên luôn bị áp lực. Các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho người lao động thì gần như bị bỏ trôi.

Nguoi lao dong tro lai vuon cay cao su tu cac khu cong nghiep
Hình 1. Ông Lê Văn Kim – Chủ tịch Công đoàn công ty trao thưởng công nhân hoàn thành KHSL quý III.

   Còn khi làm công nhân cao su thì cái được đầu tiên là được gần nhà, có thời gian chăm sóc gia đình, các chế độ chính sách, đãi ngộ cho người lao động được thực hiện đầy đủ; mặc dù các khoảng thu nhập chính không cao hơn nhưng bù lại vẫn có thể làm thêm kinh tế gia đình để tăng thu nhập. Sau đó em muốn quay về làm tiếp nhưng do quy định của công ty bên này (Công ty Cao su Dầu Tiếng) khi đã nghỉ việc thì hai năm sau mới tái tuyển thu nên em phải cố làm để chờ ngày quay về.

   Cùng chung tâm trạng công nhân khu công nghiệp, anh Nguyễn Đức Rạng công nhân khai thác tổ 10 chia sẻ: Bản thân em trước đây cũng là công nhân cao su, với suy nghĩ mình còn trẻ chưa có vợ nên nơi nào mà công việc nào có mức thu nhập khá thì mình làm để còn có điều kiện tích lũy nên em xin nghỉ việc tại Công ty CSDT và qua bên khu công nghiệp xin vào làm được hơn năm rồi em cũng nghỉ luôn vì chịu không nổi áp lực từ thời gian đến công việc, mặc dù tiền lương có cao hơn nhưng suy cho cùng cũng chẳng hơn là bao nhưng các công ty bên đó siết thời gian dữ quá, mọi sinh hoạt, việc làm đều trong khu vực công ty quản lý, đến chiều tối về đến nhà thì chỉ lăn vào ngủ để còn có sức mà sáng hôm sau tiếp tục đi làm. Tiền lương cơ bản ở tầm hơn bốn triệu, còn tăng ca thì có cao hơn nhưng tính ra cũng chẳng là bao. Thời gian làm việc thì được tính triệt để nên việc nghỉ giải lao là điều không tưởng, thậm chí việc vệ sinh là một nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn tính từng phút và còn rất nhiều những vấn đề khác liên quan xảy ra trong quá trình làm việc chẳng hạn như rào cản ngôn ngữ giữa công nhân và chủ doanh nghiệp, muốn trao đổi thì phải thông qua quản lý tổ hoặc xưởng trưởng nhưng những cá nhân này lại là những người quản lý trực tiếp chịu sự chi phối từ các chủ doanh nghiệp nên kết quả chẳng đi đến đâu, thêm vào đó là việc tăng ca, làm thêm giờ không được báo trước, các phương tiện phòng hộ lao động chưa đáp ứng với yêu cầu công việc đã dẫn đến nhiều tai nạn lao động đáng tiếc đã xảy ra do làm việc quá sức; v.v.

   Chị Hoàng Thị Thanh Tuyền tổ trưởng tổ khai thác cho biết: Tổ 10 chị quản lý hiện có 3 công nhân tái tuyển từng là công nhân khu công nghiệp trở về với độ tuổi trên dưới 30; chị cho biết, là quản lý tổ nên chị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với anh chị em trong tổ và đặc biệt với các chị em vừa được tái tuyển vào để nghe những ý kiến về những vấn đề trong công việc, qua đó tìm hiểu thêm việc làm tại các công ty mà các chị làm trước đó để có sự so sánh và tuyên truyền, trong CNLĐ của tổ. Cho nhận định, nếu so với việc làm tại các khu công nghiệp thì công nhân khai thác tại công ty được chăm lo tốt về các chế độ chính sách, tiền lương, tiền thưởng, được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ lao động, bồi dưỡng độc hại, đồ dùng phòng hộ lao động tùy theo công việc mỗi cá nhân đảm trách. Bên cạnh đó, vẫn có thể gọi là sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hợp lí và hiệu quả hơn sau khi hoàn thành việc cạo mủ, những công nhân nhà gần phần cây có thể báo với tổ trưởng, bảo vệ hoặc anh chị em trong tổ cạo gần để chạy về nhà nấu nồi cơm cho con trưa đi học về có để ăn, rồi quay lại vườn cây để tiếp tục công việc .

Nguoi lao dong tro lai vuon cay cao su tu cac khu cong nghiep
Hình 2. Công nhân tổ 10 nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến tập kết mủ chuẩn bị giao lên xe vận chuyển.

   Trao đổi ông Trần Hải Đảo – Phó giám đốc Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến thì được biết, gần như các tổ khai thác của đơn vị đều có công nhân tái tuyển và đặc biệt là công nhân đã từng làm ở khu công nghiệp quay về. Tuy vậy, lực lượng lao động tại nông trường đang ngày có nhiều biến động, tỉ lệ công nhân nghỉ việc trong những tháng đầu năm khá cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động; đến nay qua rà soát lại vẫn còn một số công nhân có thời gian đủ 20 năm công tác đang có ý định thôi việc, cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới đối với đơn vị. Việc người lao động mong muốn cũng như những gì mà lãnh đạo công ty đã thực hiện trong thời gian qua là công việc làm ổn định, bền vững, mức thu nhập được cải thiện, đảm bảo tốt thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Biết là vậy, nhưng trong thời điểm giá cao su xuống quá thấp thì việc muốn lương cao là rất khó. Ông cho biết thêm, ban giám đốc và công đoàn nông trường thường xuyên đến thăm hỏi, động viên công nhân tại vườn cây, kịp thời nắm bắt những khó khăn của công nhân trong quá trình công tác để kịp thời tham mưu lên lãnh đạo cấp trên để hỗ trợ và giải quyết những thắc mắc giúp công nhân an tâm công tác.

   Ông cho biết thêm, tư tưởng trong CNLĐ luôn có sự so sánh mức thu nhập của lao động trong công ty và các công ty khu công nghiệp. Tuy nhiên, mọi sự so sánh luôn mang tính khập khiễng. Việc trở lại của những công nhân đã từng nghỉ việc tại nông trường đã trả lời vấn đề này trong hơn nửa năm trở lại đây. Và hiện nay nông trường vẫn đang tuyển công nhân mới và tái tuyển trước thời hạn qui định hai năm sau nghỉ việc đối với những trường hợp công nhân trước đây có nhân thân tốt, không vi phạm qui chế của công ty.

Việt Quang

Scroll to Top