Anh hùng Lao động Lê Văn Khoa: “Đội ngũ cán bộ Công đoàn Cao su Việt Nam tâm huyết, gần gũi, sâu sát, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng Người lao động”.

   Anh hùng lao động Lê Văn Khoa (chú Năm), sinh ra và lớn lên trên vùng đất Cao su Dầu Tiếng giàu truyền thống anh hùng, từ rất sớm đã tham gia phong trào cách mạng địa phương; vượt qua bao khó khăn gian khổ trong chiến đấu và những đau thương mất mát của quê hương, đồng đội, gia đình, chú Năm luôn bám đất, bám dân để đánh giặc và lập được những thành tích đáng tự hào. Sau giải phóng, năm 1981 chuyển về Công ty Cao su Dầu Tiếng công tác, dù ở cương vị nào chú Năm cũng hết mình với công việc, luôn cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu thực tiễn, góp sức nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, từ khi làm Giám đốc Công ty, chú Năm đưa ra nhiều giải pháp lớn về tổ chức sản xuất kinh doanh, cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của Công ty, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu Cao su Dầu Tiếng ngày càng vươn xa trong nước và nước ngoài. Với những thành tích đã đạt được chú Năm đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.

Anh hùng Lao động Lê Văn Khoa: “Đội ngũ cán bộ Công đoàn Cao su Việt Nam tâm huyết, gần gũi, sâu sát, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng Người lao động”.
Hình: Chú Lê Văn Khoa chăm sóc cây kiểng tại vườn nhà

   Trao đổi với chúng tôi, chú Năm cho biết, với quân hàm Đại úy công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, năm 1981 xin chuyển ngành về công tác tại Công ty Cao su Dầu Tiếng, được Đảng ủy Công ty phân công về Công đoàn và được bầu làm Phó Thư ký, năm 1982 được bầu làm Thư ký Công đoàn Công ty. Năm 1983, Đại hội Công đoàn Tổng Cục Cao su Việt Nam được bầu làm Phó Thư ký Công đoàn Tổng Cục Cao su Việt Nam đồng thời vẫn kiêm Thư ký Công đoàn Công ty Cao su Dầu Tiếng; đến năm 1984 được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Thường trực Công ty và vẫn giữ chúc vụ Phó Thư ký Công đoàn Tổng Cục Cao su Việt Nam đến năm 1986.

   Chú Năm tâm sự, trong khoảng thời gian 6 năm làm cán bộ Công đoàn (1981-1986), Công ty gặp vô vàn khó khăn, phải đảm bảo đời sống cho CNLĐ, tập trung tuyển thu lao động từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và TP Hồ Chí Minh để thực hiện dự án hợp tác Việt – Xô khai hoang trồng mới 20.000 ha cao su; công nhân lao động Công ty có lúc lên đến hơn 20.000 người, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, bệnh tật thiếu thuốc men, thiếu trường học cho con em công nhân, thiếu nhà ở phải ở tập thể, ở láng trại. Đội ngũ cán bộ công đoàn rất thiếu và yếu về chuyên môn, không được đào tạo bài bản, nhất là công đoàn bộ phận ở các Đội sản xuất. Trước những khó khăn thách thức đó, Công đoàn phải vào cuộc, tích cực chăm lo đời sống, chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở cho người lao động. Kết thúc kế hoạch 5 năm (1981-1985), Công ty cao su Dầu Tiếng đã hoàn thành thắng lợi hiệp định hợp tác Việt – Xô lần thứ nhất, trồng mới được 20.007 ha cao su với tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng tốt và trở thành đơn vị dẫn đầu toàn ngành về khai hoang trồng mới cao su. Thắng lợi của kế hoạch 5 năm (1981-1985) là sự nổ lực vô cùng to lớn của toàn thể CB.CNLĐ Công ty, trong đó có đội ngũ cán bộ Công đoàn, mồ hôi nước mắt và cả máu của người công nhân đã đổ xuống để có vườn cây như ngày hôm nay. Để vượt qua được giai đoạn khó khăn trăm bề, đó là nhờ sự đoàn kết nội bộ trong bộ tứ lãnh đạo Công ty, “Đảng ủy lãnh đạo, Ban Giám đốc quản lý điều hành, Công đoàn tuyên truyền giáo dục và chăm lo đời sống người lao động, Đoàn thanh niên phát động phong trào thanh niên xung kích”. Sau này với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty dù bận rộn mấy khi họp giao ban tháng của Công đoàn chú Năm đều sắp xếp đến dự, lắng nghe ý kiến đại diện của người lao động từ các Công đoàn cơ sở, phát huy được vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn sẽ giúp ích rất nhiều trong lãnh đạo, quản lý, điều hành doanh nghiệp.

   Theo chú Lê Văn Khoa, trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ công đoàn Ngành cao su có trình độ cao, được đào tạo bài bản. Do đó, đòi hỏi “đội ngũ cán bộ Công đoàn Cao su Việt Nam phải tâm huyết, gần gũi, sâu sát, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng Người lao động” “có trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước”. Hoạt động Công đoàn phải hướng về cơ sở, hướng về người lao động, tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động./.

Văn Hải

Scroll to Top