Sáng 26/10, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia các nước thành viên áp dụng phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chuỗi hành trình sản phẩm theo chương trình phát triển bền vững, QLRBV và chứng chỉ rừng VFCS/PEFC do ông Huỳnh Tấn Siêu – Thành viên, Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững, Trưởng Ban Công nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dẫn đoàn đã đến tham quan mô hình áp dụng thực tiễn tại công ty.
VFCS là một hệ thống bao gồm có các cơ quan, tổ chức và các tài liệu liên quan để đảm bảo cho việc thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đáp ứng được yêu cầu về quản lý rừng bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chứng chỉ QLRBV Việt Nam VFCS lần đầu tiên được trao cho 3 công ty thuộc tập đoàn Cao su vào sáng ngày 17/5/2020 gồm Công ty Cao su Dầu Tiếng, Bình Long, Phú Riềng với hơn 11,4 nghìn ha rừng cao su được áp dụng, 6 nhà máy chế biến mủ cao su. Trong năm 2019 tổng diện tích cao su được xây dựng phương án quản lý rừng bền vững là 59.528 ha, cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam là 11,4 nghìn ha (Công ty Cao Su Dầu Tiếng: 4000 ha, Công ty Cao su Bình Long: 3.943 ha và Công ty Cao Su Phú Riềng: 3.479 ha); Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (VFCS/CoC) cho 6 nhà máy chế biến mủ cao su và VRG đã thực hiện đăng ký cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm cho 15 doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc Tập đoàn. (nguồn: vra.com.vn)
Ông Huỳnh Tấn Siêu – Thành viên, Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững VRG cho biết; Từ 2019 đến tháng 10/2022 đã có 17 thành viên đã thực hiện xong phương án QLRBV với diện tích 220.000 ha (đạt 76% tổng diện tích tại Việt Nam). Đáp ứng theo Theo thông tư số 28/2018/TT-BNN&PTNT. 16 thành viên VRG được cấp Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM trên 106.000 ha cao su. 28 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên và 02 nhà máy chế biến gỗ đã được cấp Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC-CoC.
Các quốc gia như Lào và Campuchia chưa có hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Và VRG sẽ áp dụng thí điểm thực hiện chứng chỉ rừng PEFC và thúc đẩy các hệ thống chứng chỉ rừng các quốc gia; Triển khai thí điểm thực hiện PEFC-CoC- CS tại Công ty TNHH PTCS Chư Sê Kamphong Thom và Công ty Cổ phần cao su Việt Lào thuộc VRG. Thực hiện QLRBV và chuỗi hành trình sản phẩm là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình phát triển bền vững của VRG và sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích đạt VFCS/PEFC-FM và nhà máy đạt PEFC-CoC. Qua đó, nhằm nâng cao hệ thống quản lý trong các công ty thành viên; Tăng hiệu quả sản xuất; Giảm ảnh tác động đến môi trường và ngày càng cải thiện xã hội; Tạo dựng niềm tin của thị trường về cao su bền vững và truy xuất được nguồn gốc hợp pháp. Nâng cao thương hiệu VRG; Tạo động lực và liên kết trong chuỗi cung ứng ngành cao su bền vững. Đồng thời, việc thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững góp phần phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam./.
Việt Quang