Đón Xuân Mới Nghĩ Về “Quả Ngọt Từ Công Trình Hợp Tác Việt – Xô” Trên Vùng Đất Cao Su Dầu Tiếng

Đón Xuân Mới Nghĩ Về “Quả Ngọt Từ Công Trình Hợp Tác Việt – Xô” Trên Vùng Đất Cao Su Dầu Tiếng</p>
Hình 1: Trụ sở Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng

Trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi tiến hành công cuộc xây dựng đất nước, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Bang Xô Viết và nhân dân Liên Xô (cũ). Nhiều công trình, dự án hợp tác mang dấu ấn của Liên Xô (nước Nga ngày nay) đã giải quyết đồng bộ những vấn đề về kinh tế quan trọng của đất nước. Tại Sông Bé (Bình Dương ngày nay), dự án hợp tác khai hoang trồng mới 20.000 ha Cao su ở vùng đất Dầu Tiếng được xem là những viên gạch nền móng cho sự phát triển của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng sau này.

Đón Xuân Mới Nghĩ Về “Quả Ngọt Từ Công Trình Hợp Tác Việt – Xô” Trên Vùng Đất Cao Su Dầu Tiếng</p>
Hình 2: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng lẵng hoa chúc mừng Công ty trong Hội nghị Tổng kết hoạt động SXKD năm 2017

Thuở ban đầu đầy khó khăn thách thức!

Dầu Tiếng là một chiến trường ác liệt, là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Dầu Tiếng là căn cứ kháng chiến của Khu uỷ Sài Gòn Chợ Lớn, là nơi diễn ra nhiều trận đánh vang dội của bộ đội chủ lực và quân dân Dầu Tiếng. Dầu Tiếng còn là nơi tập kết của các binh đoàn chủ lực, là nơi đặt sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công vào Sài Gòn để giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đồn điền Michenlin được tiếp quản và đổi tên thành Nông trường quốc doanh Cao su Dầu Tiếng. Với 4.000 ha vườn cây cao su già cỗi, thưa thớt, mang đầy thương tích và một nhà máy chế biến công suất nhỏ, thiết bị cũ kỹ lạc hậu. Nhà xuởng, nhà làm việc và nhà ở công nhân 22 làng cao su hầu như bị tàn phá trắng. Trước muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, tập thể cán bộ, công nhân lao động Nông trường đã nhanh chóng bắt tay vào việc khôi phục sản xuất. Nhưng do thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý và kỹ thuật trồng, khai thác cao su nên hiệu qủa sản xuất trong những năm đầu sau giải phóng không cao, hàng trăm héc ta cao su trồng mới phải thanh lý.

Ngày 21 tháng 5 năm 1981 không chỉ là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự đổi mới về quy mô của Cao su Dầu Tiếng khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký quyết định chuyển Nông trường Quốc doanh thành Công ty Cao su Dầu Tiếng. Nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Cao su Việt Nam giao cho Công ty thời điểm đó là tiếp nhận công trình hợp tác Việt – Xô trồng mới 20.000 ha cao su trong kế hoạch 5 năm (1981-1985). Nhiều cán bộ lão thành có nhiều năm gắn bó với cây cao su khẳng định rằng, nhiệm vụ này lắm vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Song nhờ đó, tập thể cán bộ công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng đã bước sang một thời kỳ mới với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm” và tinh thần ấy theo suốt đến ngày hôm nay.

Đã gần 40 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày mới bắt tay thực hiện công trình hợp tác khai hoang trồng mới Cao su, Anh hùng Lao động Lê Văn Khoa – Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng vẫn nhớ rất rõ đến từng chi tiết. Ông Khoa nhớ lại, lúc bấy giờ để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho công ty, Ban lãnh đạo đã bắt tay giải quyết hàng loạt vấn đề mà trước hết là con người – yếu tố quan trọng hàng đầu. Công ty đã tổ chức hội nghị cán bộ mở rộng để bàn phương án tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật; mạnh dạn đề bạt cán bộ quản lý trẻ, có năng lực giữ các chức vụ chủ chốt Phòng ban và Nông trường; đưa cơ giới vào khai hoang, kết hợp cơ giới và thủ công, thực hiện chế độ khoán sản phẩm… Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Công ty, qua đó đề ra phương án chiến lược cho những kết hoạch giai đoạn 1981-1985.

Năm 1981 được coi là năm “đồng khởi ra quân” thực hiện hiệp định hợp tác Việt – Xô trên đất Dầu Tiếng. Với khẩu hiệu “Tất cả cho khai hoang trồng mới thắng lợi”, công tác khai hoang được tiến hành với nhịp độ khẩn trương. Đội khai hoang cơ giới được sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô, kết hợp với lực lượng lao động khai hoang thủ công, tạo nên một khí thế thi đua sôi nổi trên các Nông trường. Đến cuối mùa mưa năm 1981, những vườn cây hợp tác đã phủ xanh trên những vùng đất bỏ hoang trước đây. Năm đầu thực hiện công trình hợp tác, công ty đã thực hiện được 192,5% chỉ tiêu kế hoạch khai hoang trồng mới. Với thành tích này, công ty đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là vinh dự đầu tiên đối với cán bộ, công nhân cao su Dầu Tiếng và chuyên gia Liên Xô, mở đầu thắng lợi của công trình hợp tác. Ông Lê Văn Khoa nhớ lại, lúc đó việc khai hoang bằng thủ công gặp rất nhiều khó khăn mà nếu không có sự hỗ trợ về cơ giới của bạn thì không thể thực hiện hoàn thành kế hoạch được. Bên cạnh hỗ trợ sửa chữa thiết bị cơ giới, các chuyên gia Liên Xô còn trực tiếp tham gia cùng công nhân trong việc khai hoang, trồng mới. Ông Nguyễn Văn Thu – nguyên Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan nhớ lại, lúc bấy giờ việc chặt cây, đánh gốc của công nhân rất vất vả, tuy nhiên khi có các máy móc thiết bị hiện đại và dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, việc khai hoang trở nên dễ hơn nhiều, từ đó tiến độ khai hoang được đảm bảo. “Các chuyên gia làm việc rất tích cực và có trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ. Thậm chí mỗi khi tài xế lái xe đánh gốc mệt thì chuyên gia xắn tay áo lên trực tiếp cầm lái luôn…” – ông Thu kể.

Quả ngọt sau 5 năm công trình hợp tác Việt – Xô!

Không những hỗ trợ máy móc cơ giới, phía bạn còn giúp đỡ vốn, phân bón và nhiều chi phí ban đầu khác. Nhờ sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của phía ban cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể cán bộ, công nhân Công ty nên chỉ tiêu kế hoạch khai hoang trồng mới 20.000 ha Cao su đã về đích sớm hơn dự kiến. Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Mười Nga cũng là ngày Công ty Cao su Dầu Tiếng công bố hoàn thành kế hoạch 5 năm Hiệp định hợp tác Việt – Xô với hơn 20.000 ha Cao su trồng mới. Cụ thể trong 5 năm (1981-1985) Công ty đã trồng được 20.007,87 ha Cao su, đạt 109,63% kế hoạch Nhà nước giao. Tốc độ trồng mới năm sau cao hơn năm trước. So với năm 1981, diện tích trồng mới năm 1982 tăng gấp 10 lần, năm 1983 gấp 13 lần, năm 1984-1985 gấp 21 lần, bình quân hàng năm công ty trồng 4.001 ha, gấp 25 lần so với thời kỳ 1976-1980. Có được những thành quả vượt trội đó, theo ông Lê Văn Khoa trước hết là nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sông Bé (Bình Dương) đã tạo điều kiện về đất đai, tiếp đó là sự hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất, máy móc và các chuyên gia từ Liên Xô. Chính từ những hỗ trợ kịp thời này đã giúp Công ty chỉ trong vòng 5 năm đã thực hiện hơn 20.000 ha Cao su trồng mới. “Trong điều kiện khó khăn lúc bấy giờ không ai tin được chỉ sau 5 năm Công ty công ty có thể khai hoang trồng mới với một diện tích lớn như vậy…” – ông Khoa tâm sự.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc kế hoạch khai hong trồng mới theo Hiệp định hợp tác mà trong giai đoạn 1981-1985 Công ty Cao su Dầu Tiếng đã có bước nhảy vọt về các chỉ tiêu Nhà nước giao. Đời sống cán bộ, công nhân lao động được quan tâm, chăm lo mọi mặt. Các lĩnh vực giáo dục, y tế được Công ty đầu tư phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh và học tập của con em cán bộ công nhân Công ty cũng như người dân trên địa bàn. Đến cuối năm 1985, tổng số cán bộ, công nhân lao động Công ty tăng lên trên 20.000 người, tăng 7 lần so với năm 1981. Để giải quyết khó khăn về nhà ở cho công nhân, Công ty đã xây dựng được 5.777 m² nhà ở kiên cố, 17.800 m² nhà ở bán kiên cố. So với trước ngày thành lập Công ty thì chỉ số nhà ở kiên cố và bán kiên cố tăng 1,5 lần. Nói về những thành quả giai đoạn 5 năm 1981-1985, ông Lê Văn Khoa nhìn nhận: Thắng lợi của 5 năm hợp tác Việt – Xô đã tạo tiền đề quan trọng giúp Công ty xây dựng nền tảng để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các thời kỳ tiếp theo. Thắng lợi rực rỡ của công trình hợp tác Việt – Xô mãi là dấu ấn khó phai của tình hữu nghị trên mảnh đất Dầu Tiếng anh hùng.

Đón Xuân Mới Nghĩ Về “Quả Ngọt Từ Công Trình Hợp Tác Việt – Xô” Trên Vùng Đất Cao Su Dầu Tiếng</p>
Đón Xuân Mới Nghĩ Về “Quả Ngọt Từ Công Trình Hợp Tác Việt – Xô” Trên Vùng Đất Cao Su Dầu Tiếng</p>
Hình 3, 4: Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô và Lãnh đạo Tổng cục Cao su Việt Nam cắt băng khánh thành và mở miệng cạo Lô 13/81 NT Cao su Đoàn Văn Tiến năm 1986 công trình hợp Việt – Xô

Ngày 07/11/1986, tại lô 13 nông trường Đoàn Văn Tiến, lô Cao su trồng đầu tiên trong chương trình hợp tác với Liên Xô lần thứ nhất được khánh thành mở miệng cạo. Dòng “vàng trắng” chảy trên tay đồng chí Tổng cục Trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam và đồng chí Tổng Lãnh sứ quán Liên Xô, đó chính là những giọt nước mắt mừng vui của toàn thể cán bộ, công nhân lao động Cao su Dầu Tiếng và của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Theo ông Lê Văn Khoa: Sự kiện này khẳng định lại một lần nữa rằng, nếu không có sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Bạn thông qua Hiệp định hợp tác trồng mới 20.000 ha Cao su thì Công ty không được như ngày hôm nay. Cán bộ, công nhân lao động Công ty và người dân Dầu Tiếng luôn trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ quý báu đó. Đối với cá nhân tôi, thời kỳ 1981-1985 là một quãng thời gian tôi không bao giờ quên.

Để có được vùng đất Cao su Dầu Tiếng hôm nay, đã biết bao thế hệ ông, cha đã ngã xuống. Chúng ta rất tự hào về truyền thống hào hùng của Con người và vùng đất Cao su Dầu Tiếng. Tập thể CB.CNLĐ Công ty đoàn kết một lòng, phấn đấu giữ vững thương hiệu Cao su Dầu Tiếng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Công nhân giàu, Công ty mạnh” góp phần chung sức xây dựng vùng đất Cao su Dầu Tiếng đẹp, giàu./.

Văn Hải

Scroll to Top